TP - Ở xứ dừa miền Tây Nam bộ, không ít người cả đời mưu sinh bằng nghề trèo dừa. Để có được miếng cơm manh áo, họ không chỉ vất vả mà luôn phải đối mặt với hiểm nguy, thậm chí đánh đổi cả mạng sống.
Ông Mai Văn Mong đang trèo dừa
Gian nan đời trèo dừa
Từ trung tâm huyện Châu Thành (Hậu Giang) chúng tôi chạy qua mấy con đường ngoằn ngoèo nhỏ xíu đến ấp Khánh Hội A, xã Phú An để gặp ông Mai Văn Mong, tên thường gọi là Chín Mong. Ông Chín Mong 61 tuổi đời nhưng có ngót nghét 50 năm tuổi nghề trèo dừa. Đó cũng là lý do tên tuổi người thợ trèo dừa này nổi tiếng khắp vùng. Ông cho biết mình bắt đầu leo dừa lúc 11 tuổi. Khi trưởng thành, ông cưới vợ rồi sinh liền 5 người con.
Trong khi gia đình chỉ có hơn 3 công đất vườn tạp cha mẹ để lại, loay hoay với cái ăn chưa đủ, còn phải lo cho các con ăn học, nên ông bắt đầu nghề leo bẻ dừa mướn. “Hồi nhỏ, thấy người ta trèo dừa mình bắt chước trèo theo chứ có ai dạy đâu. Họ trèo cây cao còn mình trèo cây thấp, dần dần nghề dạy nghề…”- ông Chín Mong nhớ về những ngày đầu chập chững trèo dừa.
Theo ông, nghề trèo dừa cũng đòi hỏi phải có “khiếu thẩm mỹ”. “Trời cho mình cái khiếu thẩm mỹ. Tôi làm vừa ý gia chủ nên nhiều người ủng hộ, việc làm không xuể do đó không sợ chết đói. Hơn nữa, nhờ trời cho mình khỏe mạnh, trước giờ làm nghề này tuy cực khổ nắng mưa nhưng không bệnh hoạn gì cả”- ông cười khì.
Đang trò chuyện, bỗng có một cô gái chạy đến gọi ông Chín Mong đi sửa dừa (làm vệ sinh, cắt tỉa bẹ dừa). Ông giới thiệu người gọi đó là Oanh, hàng xóm. Oanh cho biết, nhà có hơn 0,5 ha dừa gần chục năm tuổi. “Vài tháng là sửa dừa một lần cho sạch để cây dễ ra trái”- Oanh nói. Cô cũng cho biết: “Trước đây gia đình có thuê một vài người khác đến sửa nhưng không vừa ý, trong khi ông Chín Mong làm kỹ, gọn gàng hơn nên khi cần là chạy đến nhà thuê ổng”.
Chúng tôi theo chân ông Chín Mong đến vườn nhà Oanh để tận mắt quan sát ông trèo dừa. Người đàn ông tuổi lục tuần nhưng nhanh nhẹn như sóc. Thoắt một cái, ông đã tót lên tận ngọn cây dừa cao vút bằng đôi tay và chân trần. Neo mình lơ lửng trên thân dừa một tay ông Chín ôm cây dừa, một tay cầm lưỡi hái giật lia lịa.
Chỉ khoảng mười phút sau, cây dừa vốn tàu, bẹ ngổn ngang rác đã trở nên sạch sẽ, gọn gàng như người mới cắt tóc. Sau khi hoàn tất, ông Chín Mong tụt xuống đất ngồi nghỉ lấy sức tiếp tục chinh phục những cây dừa khác. Ông cho biết, khi gặp hai cây dừa gần nhau, thay vì từ cây này tụt xuống đất rồi lại trèo lên cây bên cạnh, ông lần theo tàu dừa chuyền qua cây khác bẻ tiếp, đỡ lên xuống mất sức.
Theo ông Chín Mong, công việc sửa dừa rất khó và nguy hiểm nhưng tiền công không được nhiều. “Làm cật lực, cố lắm ngày được khoảng 20 cây, kiếm vài trăm ngàn là rụng rời tay chân”- ông nói.
Mặc dù vậy, ông vẫn luôn kiên trì để làm việc và sống với nghề. Ông kể, có những cây dừa cao hơn 20m, trên ngọn các buồng dày đặc trái, quây giáp nhau không có đường lên phía trên. Gặp cảnh này, những người khác thường lui xuống, riêng ông vẫn không bỏ cuộc.
Ông Phạm Văn Thắng đứng trước nhà.
Dù hơn 30 năm làm nghề trèo dừa nhưng cuộc sống gia đình ông Nguyễn Văn Út ở ấp 3, xã Trinh Phú (Kế sách, Sóc Trăng) vẫn luôn chật vật. Gia đình ông Út thuộc diện hộ nghèo, không ruộng đất. Căn nhà ông đang ở là nhà tình thương do Nhà nước cất cho, chỉ rộng chừng vài chục mét vuông.
Điều khiến ông Út tâm tư nhất là “đến khi lớn tuổi, trèo không nổi thì lấy gì sống?”.
Đắng cay đời dừa
Nỗi ám ảnh thường trực và luôn hiện hữu trước những người sống với về trèo dừa là tai nạn ngã từ trên cao. “Nguy hiểm trong nghề không sao tả xiết, chỉ cần sơ sẩy chút xíu là đối mặt với tử thần. Nếu may mắn sống sót thì cũng thành tàn phế”- ông Út nói với vẻ mặt đầy tâm trạng. Theo chỉ dẫn của ông Út, phóng viên lần theo con đường đất quanh co đến nhà ông Phạm Văn Thắng, ở cùng ấp 3. Ông Thắng (54 tuổi), đang nằm trên võng với gương mặt gầy gò, hốc hác, da xanh xao. Ông cho biết, đang chuẩn bị đi bắt ốc để kiếm tiềm mua gạo.
Giọng nghèn nghẹn, ông Thắng kể: “Gần 6 năm trước, trong một lần trèo dừa vào sáng sớm, lúc ở trên ngọn cây, không may trượt té xuống đất từ độ cao khoảng trên 12 m…”. Vợ ông Thắng, bà Hồng (63 tuổi) tiếp lời chồng: “Sau lần té dừa, ổng bị dồn cột sống, tay phải và 2 chân không cử động được nên nằm ở nhà. Ổng ngày càng ốm o gầy mòn nhưng vì không có tiền nên chỉ xin thuốc nam uống cho qua ngày”. Bà Hồng cũng chia sẻ, khoảng một năm nay, có người ở bên Pháp biết đến hoàn cảnh của gia đình đã gửi thuốc về cho ông Thắng uống liên tục mấy tháng qua.
Nhờ vậy, ông Thắng hiện có thể đi lại được, nhưng sức khỏe còn yếu. Vợ chồng ông Thắng có 5 người con đều lập gia đình riêng. Không ruộng đất, nghèo khổ nên các con ông bà phải đi làm thuê ở nơi xa. Trước đây, vợ chồng ông mưu sinh trôi nổi trên chiếc ghe tải trọng hơn một tấn, đi khắp nơi thu hái bán dừa tươi kiếm sống mấy chục năm. Đến năm 2008 được xui gia cho mượn miếng đất ở tạm và được Nhà nước cất nhà tình thương nên mới gọi là tạm ổn định.
Anh Nguyễn Văn Tiến nằm một chỗ trong nhà. Ảnh: Hòa Hội
Do nằm một chỗ lâu ngày, phần mông của Tiến bị lở loét, ngày càng ăn sâu vào trong. Mọi sinh hoạt hằng ngày của Tiến, từ ăn uống đến vệ sinh đều do cha mẹ giúp đỡ. “Đau nhức dữ lắm, em muốn xoay người hay di chuyển chỗ khác đều không được. Hơn nữa, máu và mủ chảy ra liên tục gây ngứa ngáy, khó chịu” - Tiến tâm sự trong nước mắt.
Tiến cho biết, để nguôi ngoai phần nào nỗi buồn, gần 4 năm nay, anh chú tâm vào vẽ và đã vẽ hàng trăm bức tranh, đặc biệt là tranh về Phật để tặng cho trẻ em cùng xóm, bạn bè, người thân. “Em muốn được đi thực tế nhiều nơi để vẽ những bức tranh tặng mọi người nhưng không đi được mà chỉ vẽ thông qua tưởng tượng và mơ”- Tiến tâm sự.