Kỹ sư trẻ sáng tạo dụng cụ hỗ trợ leo dừa

Trước nay, để hái dừa, người ta thường phải phải dùng sức mình và kinh nghiệm riêng của mỗi người để leo lên được cây dừa cao. Mới đây, anh Nguyễn Văn Hưng (28 tuổi), chuyên viên Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH-CN Đồng Nai) đã có sáng kiến chế ra dụng cụ để giúp người leo dừa đỡ tốn công sức và lại an toàn.

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, anh Hưng về làm công tác kiểm định an toàn thiết bị cho một công ty tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2012, anh chuyển về làm việc tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH-CN). Tại đây, anh làm công tác kiểm định, giảng dạy và huấn luyện về an toàn thiết bị. Nhiều lần chứng kiến người dân quê mình tại huyện Ðịnh Quán, cũng như ở nhiều nơi khác mỗi khi leo dừa, họ phải dùng sức rướn người, đu mình trèo từng nấc từ gốc lên ngọn cây dừa mới hái được trái. “Mỗi lần nhìn thấy hình ảnh đó, tôi lại áy náy khi thấy bà con mình vất vả, lại rất nguy hiểm đến tính mạng khi chẳng may xảy ra sự cố…”, anh Hưng tâm sự. Vậy là từ cuối năm 2014, anh Hưng bắt đầu ngày đêm mày mò nghiên cứu, đến giữa năm 2015 thì cơ bản hoàn thành được dụng cụ hỗ trợ leo dừa.

Anh Nguyễn Văn Hưng đang leo dừa bằng thiết bị hỗ trợ do mình nghiên cứu chế tạo

Dụng cụ này khá đơn giản. Phần khung trên bao gồm khung đỡ tam giác được làm bằng thép hộp có gắn ghế ngồi. Tương tác giữ lực của dây mềm quấn quanh thân cây và thân cây, trọng lượng của khung và thân người sẽ tạo thành đòn bẩy qua điểm tựa (thanh tựa) sẽ giúp giữ thăng bằng cho người ngồi trên ghế mà không bị tuột xuống. Khung dưới được cấu tạo tương tự khung trên nhưng không có ghế ngồi, khi muốn leo dừa, người leo sẽ đứng hai chân vào thanh nâng để nâng khung phía trên đi lên. Tiếp đó, ngồi xuống ghế và dùng sức của đôi bàn chân tựa vào thanh nâng để nâng khung dưới lên, rồi sau đó tiếp tục đứng lên thanh nâng. Cứ thế, quá trình leo lên cứ tiếp tục tiếp diễn. Ðể đảm bảo an toàn cho người leo, móc treo sẽ được gắn thêm cáp vải để nối hai khung lại với nhau, đồng thời sử dụng cáp vải quàng vào cổ người leo dừa để đề phòng khung trên bị tuột xuống.

Bất kỳ ai cũng có thể leo và hái dừa dễ dàng chỉ với dụng cụ này. Không những thế, nhờ có kết cấu đơn giản mà chắc chắn, ngoài leo dừa, dụng cụ này còn có thể giúp leo được các loại cây thẳng, thân tròn, hoặc dùng leo cột điện…

Anh Nguyễn Thành Long, một hộ dân ngụ tại xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch cho biết: “Tôi không ngờ lại có dụng cụ hỗ trợ leo dừa vừa tiện lợi, vừa an toàn mà giá cả lại phải chăng như thế này. Nhờ có nó, việc thu hoạch dừa trở nên khá dễ dàng”.

Vừa qua, anh Hưng là một trong những đoàn viên thanh niên tiêu biểu được Tỉnh đoàn biểu dương trong phong trào “Sáng tạo trẻ” năm 2015.

 

< Trở lại