Chế tạo thiết bị hỗ trợ leo dừa cho người dân

Nhằm giúp cho việc leo dừa của người dân hiệu quả, ít tốn sức khỏe và an toàn, anh Nguyễn Văn Hưng, chuyên viên Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai đã chế tạo thành công thiết bi hỗ trợ leo dừa cho người dân.

Thử nghiệm thiết bị hỗ trợ leo dừa 

Dừa là cây thân cột, tròn, mọc thẳng, không phân nhánh, cây có chiều cao trung bình từ 15-20m, có cây cao từ 20-30m, đường kính thân cây trưởng thành thường hơn 30cm. Theo thống kê năm 2014, cả nước có khoảng 200.000 ha dừa. Dừa có mặt từ Bắc chí Nam, nhiều nhất là đồng bằng sông Cửu Long với trên 70% diện tích, kế đến là các tỉnh Nam Trung bộ từ Đà Nẵng trở vào.
Anh Hưng cho hay, hiện nay để thực hiện thu hoạch trái và lá, hầu hết người nông dân đều dùng sức rướn của con người, đu mình trèo từng nấc lên thân cây dừa, việc thu hoạch trái và lá đều phải dùng toàn bộ sức người để trèo lên ngọn cây. Như vậy vừa tiêu tốn sức khỏe, vừa gây nguy hiểm cho người hái dừa.
Phần khung trên của thiết bị
 
Trăn trở với việc làm thế nào để giúp người dân hái dừa dễ dàng và đảm bảo tính an toàn cao, anh Nguyễn Văn Hưng đã ngày đêm tìm hiểu, mày mò thiết kế và chế tạo thiết bị hỗ trợ leo dừa.
Thiết bị được chế tạo có khung trên được cấu tạo gồm: khung đỡ tam giác được làm bằng thép hộp có gắn ghế ngồi; thanh tự là điểm tựa, cùng với dây mềm quấn xung quay cây dừa. Tương tác lực giữa lực giữ của dây mềm và thân cây, trọng lượng khung và thân người tạo thành đòn bẩy qua điểm tựa phần tiếp xúc giữa thanh tựa và thân cây. Như vậy nếu dây mềm đủ bền, khung đỡ đủ cứng vững, sẽ giữ thăng bằng được thân người ngồi trên ghế mà không bị tuột xuống.
Phần khung dưới của thiết bị
 
Khung dưới được cấu tạo tương tự khung trên nhưng không có ghế ngồi, khi muốn đi lên, người leo dừa sẽ đứng 2 chân vào thanh nâng, sau đó nâng khung phía trên đi lên, sau đó ngồi xuống khung phía trên, dùng sức của đôi bàn chân tựa vào thanh nâng để nâng khung dưới lên, sau đó lại tiếp tục quá trình leo lên.
Anh Hưng cho biết thêm, để đảm bảo an toàn cho người leo, móc treo sẽ được gắn thêm cáp vải để nối 2 khung lại với nhau, đồng thời sử dụng cáp vải quàng vào cổ người leo dừa để đề phòng khung trên bị tuột xuống.
 
 
Anh Nguyễn Văn Hưng (bìa phải) cùng thiết bị hỗ trợ leo dừa của mình
 
Sau khi thiết kế và chế tạo, anh Hưng đã tiến hành chạy thử nghiệm. Kết quả cho thấy, mặc dù thiết bị có kết cấu đơn giản nhưng thiết bị đã đáp ứng được yêu cầu, hoạt động chắc chắn, độ ổn định cao. Không chỉ leo dừa, thiết bị còn có thể sử dụng để leo các loại cây thẳng, thân tròn hay cột điện…
Thiết bị hỗ trợ leo dừa này được các thành viên hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá là an toàn, dễ sử dụng, giá phải chăng, giúp cho việc leo dừa nâng cao hiệu quả, ít tốn sức khỏe và an toàn. Đặc biệt nếu sử dụng thiết bị này những người không biết leo dừa có thể leo và hái dừa dễ dàng.
 
 
Anh Nguyễn Văn Hưng tại lễ tuyên dương tuổi trẻ sáng tạo tỉnh Đồng Nai 2015
 
Với khả năng ứng dụng hiệu quả trong đời sống, thiết bị hỗ trợ leo dừa cho người dân của anh Nguyễn Văn Hưng là 1 trong số 33 đề tài, sáng kiến tiêu biểu của vừa được Tỉnh đoàn Đồng Nai tuyên dương “Tuổi trẻ sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2015”.
L.Hương

< Trở lại